Phát triển nguồn nhân lực có chất lượng, kỹ năng và hiệu quả cao là một trong ba đột phá chiến lược để phát triển đất nước. Do đó, để hỗ trợ phục hồi và phát triển kinh tế, Ủy ban Kinh tế của Quốc hội và các chuyên gia khuyến nghị, cần đầu tư cơ sở vật chất cho đào tạo nghề là 22.970 tỷ đồng, chiếm 0,28% GDP và hỗ trợ cho đào tạo nghề 6.800 tỷ đồng, chiếm 0,08% GDP năm 2021.
Khuyến nghị đầu tư 22.970 tỷ đồng cho cơ sở vật chất đào tạo nghề
Trong 2 năm qua, để ứng phó với dịch bệnh COVID-19 bùng phát, hỗ trợ cho kinh tế và xã hội, Việt Nam đã sử dụng đồng bộ các chính sách tài khóa, tiền tệ cũng như các chính sách vĩ mô khác. Tổng quy mô các gói hỗ trợ về tài khóa, tiền tệ của Việt Nam theo tính toán của các chuyên gia, trong 2 năm 2020 và 2021 ước khoảng 4%, thấp hơn mức bình quân của các nước trên thế giới.
Do đó, để có chính sách hỗ trợ phục hồi và phát triển kinh tế trong thời gian tới, tại “Diễn đàn Kinh tế Việt Nam 2021 – Phục hồi và phát triển bền vững” vừa qua, nhiều chuyên gia trong nước và quốc tế đã hiến kế các giải pháp tổng thể để phục hồi và phát triển kinh tế – xã hội một cách bền vững.
Trong đó có những chính sách cụ thể về huy động, phân bổ và sử dụng các nguồn lực thuộc chính sách tài khóa, chính sách tiền tệ với quy mô, liều lượng hợp lý nhất cũng như sự phối hợp giữa các chính sách này để duy trì tăng cường các động lực tăng trưởng, vừa bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, vừa đáp ứng yêu cầu trước mắt, vừa đáp ứng mục tiêu dài hạn của phát triển bền vững hướng tới thúc đẩy đổi mới sáng tạo, tăng trưởng xanh và chuyển đổi số.
Ảnh minh họa – nguồn Internet
Nhóm nghiên cứu của Ủy ban Kinh tế của Quốc hội và các chuyên gia khuyến nghị đầu tư cơ sở vật chất cho đào tạo nghề là 22.970 tỷ đồng, chiếm 0,28% GDP và hỗ trợ cho đào tạo nghề 6.800 tỷ đồng, chiếm 0,08% GDP năm 2021.
Nhiều chuyên gia đề xuất các giải pháp nhằm đẩy mạnh cải cách thể chế; các chính sách tài khóa và tiền tệ hỗ trợ phục hồi và phát triển kinh tế xã hội; chuyển đổi số; đào tạo, đào tạo lại, phát triển thị trường lao động; đảm bảo nguồn cung lao động và an sinh xã hội…
Kinh nghiệm quốc tế và thực tiễn cho thấy, để phục hồi kinh tế và phát triển bền vững trong bối cảnh dịch bệnh, bên cạnh tiến độ bao phủ vaccine và các trụ cột quan trọng như: Phục hồi chuỗi cung ứng, bảo đảm lưu thông hàng hoá, hoạt động sản xuất, kinh doanh an toàn, thông suốt; Triển khai các chương trình đầu tư quy mô lớn có tác động lan toả, tạo động lực tăng trưởng mới cho nền kinh tế; Nâng cao chất lượng thể chế; Có chính sách tiền tệ, chính sách tài khóa đồng bộ, hiệu quả… thì yếu tố tiên quyết, quan trọng nhất vẫn là phát triển nguồn nhân lực có chất lượng, kỹ năng và hiệu quả cao. Đây là một trong ba đột phá chiến lược để phát triển đất nước thời gian tới.
Tại báo cáo tổng thể, xuất phát từ 5 thách thức rất lớn trong nước gồm: dịch bệnh COVID-19 phức tạp; GDP giảm; người dân và doanh nghiệp rất khó khăn; cải cách thể chế, đầu tư công chậm; có dấu hiệu lỡ nhịp, lỡ cơ hội, tụt hậu, Nhóm nghiên cứu của Ủy ban Kinh tế và các chuyên gia khuyến nghị chính sách tài khóa và tiền tệ hỗ trợ phụ hồi và phát triển. Trong đó, khuyến nghị đầu tư cơ sở vật chất cho đào tạo nghề là 22.970 tỷ đồng, chiếm 0,28% GDP và hỗ trợ cho đào tạo nghề 6.800 tỷ đồng, chiếm 0,08% GDP năm 2021.
Cần chính sách hỗ trợ đào tạo, bồi dưỡng kỹ năng cho người lao động
Trong bối cảnh hiện nay, nếu tập trung đúng mức vào trụ cột nâng cao kỹ năng và đổi mới công nghệ thì “lò xo” tăng năng suất lao động có thể được kích hoạt và bung ra mạnh mẽ. Trong trạng thái bình thường mới, chính kỹ năng lao động sẽ giúp các doanh nghiệp, các ngành có công nghệ mới, năng suất lao động cao, phục hồi và phát triển mạnh mẽ. Qua đó, giúp nền kinh tế không những nhanh chóng thoát khỏi suy thoái mà còn đồng thời đi vào tăng trưởng theo chiều sâu, bền vững.
Theo đó, trước mắt cần cho phép kéo dài ít nhất thêm 1 năm việc thực hiện chính sách hỗ trợ doanh nghiệp đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ kỹ năng cho người lao động từ Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp theo Nghị quyết số 68/NQ-CP năm 2021 của Chính phủ. Thực tế chính sách này sẽ rất khó thành công trong năm nay như dự kiến do tác động của dịch bệnh, đa số các doanh nghiệp thiếu hụt lao động cho phục hồi sản xuất kinh doanh nên chưa ưu tiên thời gian cho việc đào tạo người lao động, nhất là phải chạy cho kịp các đơn hàng cuối năm.
Bên cạnh đó, cần bổ sung thêm chính sách và nguồn lực để đặt hàng đào tạo kỹ năng, tay nghề ngắn hạn cho học sinh, sinh viên và người lao động không thuộc đối tượng đào tạo từ Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp. Chính sách này nhằm đáp ứng nhu cầu nhân lực có kỹ năng nghề của thị trường lao động, nhất là khu vực, địa bàn thành thị tập trung nhiều khu công nghiệp, khu chế xuất, nơi mà các chính sách hỗ trợ đào tạo cho vùng nghèo, vùng dân tộc, vùng nông thôn trong 3 chương trình mục tiêu quốc gia không bao phủ.
Trên thực tế, nhiều lao động chưa qua đào tạo, lao động phổ thông, kỹ năng chưa đáp ứng được sản xuất đã bị đào thảo, nhiều người đã mất việc, thất nghiệp và phải đào tạo kỹ năng phù hợp để chuyển đổi việc làm. Do đó, chính sách trên sẽ thu hút được lượng lớn lao động đã về quê do mất việc, thất nghiệp…, đào tạo họ để quay lại các khu công nghiệp, các thành phố lớn đang thiếu hụt nhân lực trong thời gian ngắn nhất. Chính sách này cũng sẽ giúp đáp ứng nhu cầu tuyển dụng lao động có kỹ năng nghề khi đón nhận làn sóng đầu tư FDI mới dịch chuyển vào Việt Nam.
Về trung hạn và dài hạn, cần chú trọng và nâng cao chất lượng hoạt động dự báo về nhu cầu việc làm và nhu cầu đào tạo trong lĩnh vực ngành, nghề; tăng nhanh quy mô đào tạo nghề, nhất là khi nhu cầu lao động có kỹ năng tăng cao nhưng những rào cản bởi dịch bệnh và năng lực chuyển đổi, thích ứng của hệ thống giáo dục nghề nghiệp còn hạn chế dẫn đến tuyển sinh đào tạo năm 2021 chỉ đạt 80% kế hoạch đầu năm. Đồng thời, cần ưu tiên ngân sách để đẩy nhanh tiến độ đầu tư đồng bộ cho 70 trường chất lượng cao, 150 nghề trọng điểm; 20 nghề, kỹ năng tương lai theo Đề án đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Việc ưu tiên đầu tư đào tạo nghề cho người lao động đã được Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh khi phát biểu kết luận Diễn đàn Kinh tế Việt Nam năm 2021. Chủ tịch Quốc hội cho rằng, trong thời gian tới, cần phân bổ nguồn lực hợp lý vào lĩnh vực lao động việc làm, an sinh xã hội, ưu tiên khôi phục thị trường lao động, hỗ trợ cho lao động quay trở lại làm việc, khắc phục đứt gãy của thị trường lao động.
Hơn nữa, cần nâng cao nguồn nhân lực có kỹ năng nghề, thông qua đào tạo bồi dưỡng kỹ năng nghề cho người lao động; phát triển hệ thống giáo dục nghề nghiệp mở, linh hoạt, hiện đại, hiệu quả và hội nhập; tăng nhanh quy mô đào tạo, chất lượng đào tạo, trong hợp tác công tư, chuyển đổi số để tổ chức đào tạo… Ngoài ra, cần có chính sách hỗ trợ doanh nghiệp đào tạo nguồn nhân lực, chia sẻ rủi ro cho doanh nghiệp; hỗ trợ đào tạo nghề cho lao động ngoại tỉnh đến làm việc tại các khu vực kinh tế trọng điểm.